Bức tranh chuyển đổi số báo chí Việt Nam năm 2024 được công bố tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức.
Năm 2024, cả nước có 351 cơ quan báo chí tham gia và hoàn thành chương trình tập huấn, hướng dẫn cơ quan báo chí thực hiện đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số do Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí tổ chức trực tiếp và trực tuyến vào cuối tháng 10/2024. Tuy nhiên, chỉ có 282 đơn vị thực hiện đánh giá, đo lường mức độ chuyển đổi số (khối báo trung ương có 40 đơn vị; khối báo địa phương 62 đơn vị; khối Tạp chí trung ương và địa phương 48 đơn vị; khối Tạp chí Khoa học 67 đơn vị và khối Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh 65 đơn vị.
Kết quả, có 28 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc (tăng 6,27% so với năm 2023); 65 đơn vị đạt mức tốt (tăng 14,99% so với năm 2023), trong đó có Báo Quảng Ngãi; 55 đơn vị đạt mức khá (tăng 6,31% so với năm 2023); 25 đơn vị đạt mức trung bình (giảm 3,22% so với năm 2023) và 109 đơn vị đạt mức Yếu (giảm 24,35% so với năm 2023).
Đa dạng các chương trình trên báo điện tử Quảng Ngãi
Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí được dùng để theo dõi, đánh giá hiện trạng thực hiện chuyển đổi số hàng năm của cơ quan báo chí;… Tổng điểm đánh giá đạt tối đa là 100 điểm, trong đó thang điểm tối đa của các trụ cột là: Chiến lược: 18 điểm; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; và Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm.
Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức: Mức 1: dưới 50 điểm (xếp mức yếu); mức 2: từ 50 đến dưới 60 điểm (xếp mức trung bình); mức 3: từ 60 đến dưới 75 điểm (xếp mức khá); mức 4: từ 75 đến dưới 90 điểm (xếp mức tốt); mức 5: từ 90 điểm trở lên (xếp mức xuất sắc).